» » » » Chứng chỉ quỹ ETF nội địa đầu tiên chào sàn

REIC - Quỹ hoán đổi danh mục đầu tiên tại Việt Nam, ETF VFMVN30, dựa trên chỉ số VN30, đã đạt 202 tỉ đồng trong đợt chào bán lần đầu (IPO) và chính thức niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) vào sáng hôm nay 6-10.


Quỹ ETF VFMVN30 do Công ty cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam (VMF) huy động và quản lý, được niêm yết và giao dịch với mã chứng khoán E1VFVN30.

Biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên là +/-20% so với giá tham chiếu, trong đó giá tham chiếu là 10.206,19 đồng/đơn vị; đó cũng là giá trị tài sản ròng (NAV) trên một chứng chỉ quỹ tại ngày 3-10-2014 do Công ty VFM công bố.

Trong đợt chào bán lần đầu ra công chúng diễn ra từ ngày 21-7 đến 20-8, quỹ đã huy động được 202 tỉ đồng, đạt gấp hai lần so với dự kiến ban đầu, từ các thành viên lập quỹ là Công ty cổ phần Chứng khoán TPHCM (HSC) và Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) và các nhà đầu tư tổ chức, cá nhân khác.

Tổng giám đốc VFM, ông Trần Thanh Tân, trả lời các phóng viên rằng trong tháng 10 quỹ sẽ có thêm hai thành viên lập quỹ mới.

“Chúng tôi đã ký hợp tác chính thức với 6 nhà đầu tư thành viên lập quỹ gồm các công ty chứng khoán TVSC, ACBS, VCBS, SBBS, VCSC, VNDS, VDSC”, ông Tân nói. “Hiện chưa có nhà đầu tư nước ngoài nào bỏ tiền vào ETF, nhưng chúng tôi ghi nhận sau ngày hôm nay họ sẽ quan tâm hơn. Thực tế trong quá trình road show tôi cũng nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư nước ngoài”.

Ông Tân thể hiện sự lạc quan về tương lai của ETF. “Chúng tôi đang mở rộng hệ thống đại lý phân phối ETF và với hệ thống đó, dự kiến 6 tháng tới, quy mô quỹ sẽ khoảng 400-500 tỉ đồng và một quy mô lên tới trên dưới 1.000 tỉ đồng là không khó”, ông Tân trả lời TBKTSG Online.

Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bà Nguyễn Thị Liên Hoa, phát biểu rằng, sự ra đời và niêm yết của quỹ E1VFVN30 là kết quả của nỗ lực tạo ra các công cụ mới trên thị trường chứng khoán của các cơ quan liên quan. ETF được kỳ vọng đóng vai trò lớn vào sự sôi động và chuyên nghiệp của thị trường chứng khoán Việt Nam. Bà cho biết sẽ tiếp tục có các ETF khác đang được chuẩn bị và niêm yết.

“Những chỉ số nhóm ngành khác như bất động sản, công nghiệp, nhóm cổ phiếu có lợi nhuận cao… sẽ được xây dựng và ra đời và đó là nền tảng cho các EFT mới xuất hiện. Sẽ có các sản phẩm ETF đa dạng hơn và chắc chắn ETF sẽ có một tương lai tốt đẹp”, ông Tân nói.

Tuy những thành viên lập quỹ ban đầu là tổ chức, nhưng ông Tân nói ETF (không khác các ETF ở các thị trường quốc tế) có mục tiêu chính dành cho nhà đầu tư cá nhân. Ai cũng ước mong đầu tư vào một danh mục cổ phiếu “thông minh hơn thị trường”. Nếu nhà đầu tư có 15-20 triệu đồng, họ không thể tiếp cận hết các cổ phiếu trong rổ VN30. Vậy, với sản phẩm tài chính tiên tiến bậc nhất của loại hình chứng chỉ quỹ này, giới đầu tư sẽ có công cụ đầu tư mới với nhiều ưu điểm như hoạt động minh bạch (danh mục và NAV được cập nhật hàng ngày), được quản lý tốt, chi phí phù hợp và chuyên nghiệp.

ETF VFMVN30 sẽ hoạt động mô phỏng gần nhất với sự biến động của chỉ só tham chiếu VN30 sau khi trừ đi chi phí hoạt động của quỹ. Theo Bản cáo bạch của quỹ, tối thiểu 95% giá trị danh mục chứng khoán của quỹ sẽ mô phỏng cơ cấu chỉ số VN30, nhóm 30 cổ phiếu của các công ty có giá trị vốn hóa lớn và thanh khoản cao nhất tại HOSE. Nhóm cổ phiếu này chiếm phần lớn giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài và là nhóm cổ phiếu chiếm 60-70% giá trị giao dịch tại HOSE.

ETF được giao dịch trên sàn chứng khoán giống như các cổ phiếu niêm yết khác với số lượng đăng ký tối thiểu 10 chứng chỉ quỹ. Giao dịch ETF diễn ra như một cổ phiếu thông thường: đặt lệnh online theo dõi sự giao dịch liên tục trong ngày và có thể sử dụng margin để tăng lợi nhuận.

Các nhà đầu tư cũng có thể giao dịch tại thị trường sơ cấp bằng cách hoán đổi chứng khoán cơ cấu lấy lô ETF hoặc đổi chứng chỉ quỹ ETF mà mình đang sở hữu để lấy chứng khoán cơ cấu về tài khoản chứng khoán của mình trong vòng 2 ngày kể từ ngày giao dịch. Sau đó có thể sử dụng chứng khoán ETF mới hoán đổi xong để giao dịch trên sàn.

Ngân hàng giám sát ETF là Standard Chatered Bank Việt Nam. Phí quản lý là 0,65%/NAV/năm. Phí mua lại từ 0% đến 0,15% (giá trị giao dịch).

Theo TBKTSG
Next
Newer Post
Previous
This is the last post.

Post a Comment